Thông tư 13 và Nghị định 141: Không hoãn nhưng có điều chỉnh?

Đây là một câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm. Nhiều khả năng thông tư 13 không hoãn nhưng sẽ có những điều chỉnh nhất định.


Có dãn lộ trình thực hiện thông tư 13/2010-TT-NHNN (TT13) và Nghị định 141/2006/NĐ-CP không? Đây là một câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm. Nhiều khả năng không hoãn nhưng sẽ có những điều chỉnh nhất định.

Có thể không dãn tiến độ thực hiện thông tư 13, vì đây là một văn bản pháp quy quan trọng điều chỉnh các hoạt động cơ bản của tổ chức tín dụng (TCTD) với mục đích đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh và cho hệ thống ngân hàng (NH), là điều kiện cần để hệ thống NH Việt Nam thực hiện lộ trình cam kết gia nhập WTO về mở cửa thị trường tài chính.

Có ý kiến cho rằng việc NHNN ban hàng và quyết tâm thực hiện đúng lộ trình TT13 có thể vì hai nguyên nhân: (i) Do những cam kết quốc tế về NH mà Việt Nam phải thực hiện khi thị trường tài chính bị xóa những rào cản kỹ thuật; (ii) Hệ thống NH Việt Nam đang có những vấn đề nên cần ban hành những văn bản mang tính pháp luật trước để chủ động cho các giải pháp mang tính cưỡng chế có thể phải sử dụng sắp tới đây. Kể cả việc đối đầu với các vụ việc như Vinashin vừa qua.

Cho đến nay, những ý kiến gay gắt ban đầu sau khi Hiệp hội Ngân hàng công bố kiến nghị của 14 TCTD về TT 13 dần lắng lại, nhiều ý kiến chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ việc thực thi thông tư quan trọng này. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ở chỗ niềm tin của các NĐT trong nước đang sụt giảm vì cho rằng một số nội dung của TT 13 cản trở nguồn cung tín dụng (có ý kiến cho rằng NHNN muốn dùng TT 13 để thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và ngân hàng, giảm sự hấp dẫn của TTCK và tính thanh khoản của thị trường BĐS.

Điều chỉnh tỉ lệ cấp tín dụng/nguồn vốn huy động?

Quy định về tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tính theo công thức: Cấp tín dụng/nguồn vốn huy động= 80%/85% (hiện tại ở nhiều NHTM Việt Nam là trên 120%). Hầu hết các nước trên thế giới không quy định tỉ lệ này nữa, nhưng NHNN Việt Nam vẫn quyết định đưa ra vì khó khăn thanh khoản nhiều năm của hệ thống phần lớn bắt nguồn từ việc sụt giảm đột ngột nguồn vốn huy động không kỳ hạn của các tổ chức, nhất là tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, theo các NHTM thì thông thường các nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức chiếm khoảng trên 15%/tổng nguồn vốn, thường xuyên có tổ chức rút ra nhưng lại có tổ chức gửi vào nên tương đối ổn định, có thể sử dụng một phần để cho vay.

Trước nhiều ý kiến của dư luận về vấn đề này khả năng NHNN sẽ chọn một trong hai hướng xử lý: (i) Bỏ hẳn quy định tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động; (ii) Giữ tỉ lệ, nhưng cho phép tính tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (trừ tiền gửi kho bạc vì khi Luật NHNN có hiệu lực thi hành vào 1.1.2011 thì nguồn tiền gửi này phải chuyển về NHNN) vào nguồn vốn huy động. Dù chọn phương án nào thì cũng có sự cải thiện về tỉ lệ cấp tín dụng.

Tăng vốn: Sẽ kịp cán đích?

Cho đến bây giờ xem ra NHNN vẫn tỏ ra quyết tâm thực hiện đúng lộ trình của Nghị định 141/2006/NĐ-CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng vì cho rằng thời gian chuẩn bị đã quá dài (5 năm). Hơn nữa cũng đã đến lúc các NHTM Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc số 5 của Basel II về giao dịch mua lại lớn liên quan đến sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD.

Theo một nguồn tin từ NHNN thì trong số 23 NHTM phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay thì hiện 13 NH đã trình hồ sơ đầy đủ về kế hoạch tăng vốn điều lệ năm tài chính 2010 lên Thống đốc NHNN, 7 hồ sơ đang kiểm tra xem xét tại cơ quan thanh tra, giám sát thuộc NHNN và 3 NH chưa đầy đủ hồ sơ.

Cho đến thời điểm này thì chưa một NH nào báo cáo phương án xử lý trong trường hợp TCTD không đạt được mức vốn này. Tuy nhiên, chưa chắc tất cả 23 NHTM tăng đủ vốn vào cuối năm nay. Vấn đề nằm ở chỗ NHNN sẽ cho các NH chưa đủ điều kiện dãn thời gian thực hiện hay buộc các NH đó phải đưa ra phương án sáp nhập?

Cho đến cuối tuần trước dù cho VNI có phiên tăng điểm nhẹ, nhưng tâm lý của đa số các NĐT vẫn bi quan, ngờ vực. Nỗi lo ngại về chi phí tỉ giá tăng, kết quả kinh doanh quý III sa sút, thị trường BĐS đóng băng, lạm phát... cứ lởn vởn trong tâm trí mọi người. Không có nhiều kỳ vọng về dòng tiền từ ngân hàng bởi vì gần như chắc chắn là từ nay đến hết năm 2010 NHNN không nới lỏng hơn nữa CSTT.

Cho dù đến cuối tháng 8.2010 tốc độ tăng trưởng dư nợ mới đạt khoảng 15% và dự báo năm 2010 CPI sẽ khống chế dưới mức 8% mà Quốc hội đề ra, nhưng có vẻ như NHNN vẫn đầy cảnh giác với lạm phát vì ngoài cung tín dụng, số tiền NHNN ứng cho ngân sách nghe nói cũng không phải là con số nhỏ.

Một vài điều chỉnh TT13 (nếu có) tuy sẽ làm tăng tỉ lệ cấp tín dụng hơn, nhưng vấn đề còn ở chỗ bản thân các NHTM có niềm tin với “sức khỏe” của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung không để sẵn sàng mở hầu bao? Có lẽ đây là lý do tại sao TTCK vẫn bi quan bất kể các thông tin chính thức về kinh tế vĩ mô vẫn sáng sủa.

Tuấn Thành

Nguồn : Báo Lao Động

Mời bạn đọc góp ý kiến




CAPTCHA
 Ý kiến bạn đọc

gỗ nhân tạo conwood,gỗ conwood,sàn gỗ ngoài trời,gỗ ngoại thất

máy phát điện,máy phát điện dân dụng, máy phát điện gia đình, máy phát điện nhập khẩu