Để không lạc giữa “rừng” hiệp định

Không tính Hiệp định WTO là cam kết quốc tế lớn nhất, Việt Nam hiện đã tham gia tám hiệp định thương mại song phương (FTA), trong đó có sáu hiệp định ASEAN với các đối tác.


Ngoài ra, bảy FTA khác đang trong quá trình đàm phán. Mỗi hiệp định là hàng ngàn cam kết cụ thể, mức độ khác nhau, thời gian thực hiện khác nhau nhưng cơ bản đều tác động mạnh đến giao thương hàng hóa của Việt Nam với hàng chục quốc gia. Vì hầu hết các cam kết đều đưa 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2015.

Không dùng "bên ngoài" để ép "bên trong"

Trong cuộc trao đổi với giới báo chí hồi cuối tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người chủ trì đàm phán nhiều hiệp định như TPP, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA (nay là ATIGA), nhấn mạnh mấy điểm cần chuẩn bị để thích ứng với tình hình mới, cần cho cả các cơ quan quản lý lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ như cần phải chuẩn bị cái gốc thật chắc vì càng ký nhiều hiệp định thì cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực càng lớn và minh bạch. Cơ quan quản lý phải nhận thức được cái gốc sâu xa đó để sửa đổi, ban hành các chính sách thương mại, thậm chí sửa đổi các nghị định, pháp lệnh... như khi WTO có hiệu lực chúng ta đã phải làm, nhằm phù hợp với các cam kết mới.

Ngoài ra, cái gốc thật chắc ở đây còn là sự chuẩn bị, phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình trước, trong và sau đàm phán (thực thi hiệp định). Vì kết quả đàm phán trên bàn có tốt đến bao nhiêu nhưng sự chuẩn bị, thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp không tốt, thậm chí có ngành bị "chết" vì những cam kết mở cửa thị trường thì việc tham gia hiệp định dễ mang lại tác dụng xấu.

Báo cáo của Bộ Công Thương (30-9) về vấn đề hội nhập kinh tế đa tầng nấc này có nhấn mạnh việc hài hòa lợi ích giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước với các cam kết quốc tế bằng hình ảnh "không dùng bên ngoài để ép bên trong".

Các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đều tính tới chênh lệch về trình độ phát triển của các nước tham gia. Trong đó, việc áp dụng các cam kết giảm thuế đối với Việt Nam hầu như bao giờ cũng có độ trễ về thời gian hơn so với các quốc gia cùng ký cam kết. Như theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tới năm 2015, các nước ASEAN sẽ đưa thuế suất xuống 0% đối với tất cả các mặt hàng, trừ những mặt hàng nằm trong danh mục GEL (danh mục loại trừ hoàn toàn).

Riêng các nước tiểu vùng sông Mêkông, trong đó có Việt Nam được hưởng bảo lưu linh hoạt 7% số dòng thuế tới năm 2018. Nghĩa là kể từ năm 2013, không phải thông qua đàm phán với các nước ASEAN khác, Việt Nam có thể chủ động đưa các mặt hàng muốn bảo hộ vào danh mục 7% hoặc các mặt hàng giảm bảo hộ sớm ra khỏi danh mục.

Ví dụ, xăng dầu và thuốc lá vốn trước đây nằm trong GEL, các nước ASEAN đề nghị Việt Nam đưa ra khỏi danh mục này. Kết quả là lộ trình cắt giảm thuế quan xăng dầu đã được thông qua (từ mức 40% của năm 2006 xuống còn 12,23% năm 2013). Nhóm hàng ô tô, xe máy ban đầu cũng có trong GEL nhưng nay đã chuyển sang danh mục loại trừ tạm thời, giảm dần thuế từ năm 2010 đến nay.

Đổi lại với việc cắt giảm thuế nhập khẩu, Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) - sau này đổi thành ATIGA, cũng đem lại lợi thế khá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam do thuế suất CEPT mà các nước ASEAN áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của các nước này. Tới năm 2015, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN-6 sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Như vậy với bảy hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết, cho dù cách thức đàm phán khác nhau nhưng lợi ích và cách thức cắt giảm dòng thuế cũng không khác nhiều so với CEPT-ATIGA.

Sự tương đồng của các hiệp định còn ở chỗ, trong nhiều FTA khác nhau, Việt Nam tiếp tục bảo hộ mạnh trứng gia cầm, thuốc lá, xăng dầu, vỏ ô tô, các loại ô tô, xe máy nguyên chiếc...

Nói tóm lại, nếu chỉ xét trên bàn đàm phán, các FTA mà Việt Nam đã ký kết và những FTA mà Việt Nam đang đàm phán đều mang tính hỗ trợ, kế thừa lẫn nhau cho dù mức độ các hiệp định mỗi ngày một phức tạp, sâu sắc hơn, không chỉ dừng ở các đàm phán về thương mại hàng hóa. Nên nếu doanh nghiệp được chuẩn bị đầy đủ, nhất là được thông tin sớm, có lộ trình phối hợp với các đoàn đàm phán qua các hiệp hội thì hầu như không có gì bất ngờ đến mức "nước đến chân mới nhảy".

Giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập

Vấn đề là mọi chuyện không diễn ra đơn giản như thế. Để thực hiện được các lộ trình này, đòi hỏi sự phối hợp, chủ động của cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp rất cao.

Như ATIGA không thực hiện cắt giảm đồng loạt các mặt hàng trong danh mục theo lộ trình đề ra như WTO để doanh nghiệp dễ theo dõi và có thời gian chuẩn bị. ATIGA cho phép các nước tham gia ATIGA mỗi năm chọn 7% tổng số dòng thuế cắt giảm, ngoài việc linh hoạt bảo lưu 7% số dòng thuế đến thời điểm năm 2018.

Như khi đưa ô tô, xe máy ra khỏi danh mục GEL, Bộ Tài chính đã quyết định từ năm 2008-2013, thuế nhập khẩu ô tô, xe máy sẽ giảm dần. Và từ năm 2014-2018, 47 mặt hàng ô tô, xe máy có xuất xứ từ ASEAN lại tiếp tục giảm. Ngay từ năm 2008, bộ này đã đưa ra hai phương án giảm thuế cho các doanh nghiệp cân nhắc và lựa chọn.

Không phải mặt hàng nào cũng có được sự chuẩn bị sớm như ô tô và lộ trình cắt giảm thuế có sự bàn bạc. Theo một thành viên nắm rất rõ quá trình đàm phán các hiệp định thì các cơ quan liên quan muốn biết các lộ trình cắt giảm thuế 7% hàng năm được Bộ Tài chính lựa chọn cho ATIGA cũng không có. Cơ quan quản lý tiếp cận đã khó thì doanh nghiệp càng khó hơn. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chính là sự lúng túng, thiếu lộ trình chuẩn bị của các cơ quan quản lý trong việc cắt giảm thuế theo định kỳ hàng năm.

Lẽ ra, để tạo cơ hội công bằng cho mọi đối tượng trong xã hội đều hưởng thành quả hội nhập, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải công bố dự thảo các mặt hàng dự kiến cắt giảm thuế theo từng năm, trước ít nhất hai năm để các doanh nghiệp góp ý, thay cho việc trước mỗi kỳ cắt giảm thì tham khảo ý kiến doanh nghiệp cho có.

Một ví dụ khác là việc Việt Nam đang đàm phán Hiệp định liên minh hải quan với Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA). Đoàn đàm phán do Bộ Công Thương chủ trì, với sự phối hợp của Bộ Tài chính, qua sáu phiên đàm phán trong suốt hơn một năm qua đã không đưa ra bất cứ thông tin nào để các doanh nghiệp góp ý. Cho đến khi Hiệp hội Thép Việt Nam bằng con đường không chính thức biết được trong danh mục 167 mã sắt thép mà Việt Nam đang đàm phán thuế suất về 0% ngay khi VCUFTA có hiệu lực (2015) có 40 mặt hàng mà ngành sản xuất trong nước đã dư thừa.

Nếu có thêm thép nhập từ Nga với thuế suất 0% thì ngành thép trong nước vốn đã khó vì quy hoạch một đằng, đầu tư một nẻo, nay có thể bị thêm thép từ Viễn Đông chèn ép.

Điều đáng nói là Bộ Công Thương, chủ trì đàm phán VCUFTA, đồng thời cũng là nơi làm quy hoạch ngành thép đến năm 2020 hiểu rất rõ tình trạng này và cho rằng, việc ký hiệp định mới không đẩy doanh nghiệp vào chỗ chết. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chứng minh được những điều bộ nói là không đúng.

Nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận thức được việc mở cửa thị trường với thuế suất hầu hết về 0% từ năm 2015 tác động với họ thế nào. Bằng chứng là có nhiều cuộc Bộ Tài chính mời doanh nghiệp đến góp ý về dự thảo các cam kết sẽ thực thi, nhiều doanh nghiệp không nhận thức được tầm quan trọng, đã vắng mặt. Hoặc có doanh nghiệp có mặt nhưng tưởng là câu chuyện rất xa xôi.

Với gần 20 cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang thực thi, lợi ích và chi phí hội nhập đều song hành. Chỉ khi nào các đoàn đàm phán cởi mở hơn với doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn nữa thì mới trụ được trong cơn lốc cạnh tranh của đa tầng hội nhập.

Lan Nhi (theo TBKTSG)

Mời bạn đọc góp ý kiến




CAPTCHA
 Ý kiến bạn đọc

gỗ nhân tạo conwood,gỗ conwood,sàn gỗ ngoài trời,gỗ ngoại thất

máy phát điện,máy phát điện dân dụng, máy phát điện gia đình, máy phát điện nhập khẩu