Philippines bắt đầu điều trần trong vụ kiện về biển Đông
Philippines ngày 7/7 đã bắt đầu lập luận trong một phiên điều trần kín trước tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan trong vụ nước này kiện Trung Quốc về quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt cá trên biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, tuy Trung Quốc từ chối tham gia, vụ kiện trên đang được nhiều nước châu Á và Mỹ theo dõi chặt chẽ bởi căng thẳng đang gia tăng trong khu vực do sức mạnh hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc.
Trong tuần này, một ban gồm 5 thẩm phán sẽ nghe lập luận của Philippines trong vụ kiện và quyết định xem PCA có thẩm quyền xét xử vụ này hay không.
Người dân Philippines biểu tình về vấn đề biển Đông trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Philippines - Ảnh: AP.
Đơn kiện Trung Quốc được Philippines gửi lên PCA vào năm 2013 nhằm khẳng định quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này theo như định nghĩa được đưa ra trong Công ước Quốc tế về luật biển (UNCLOS).
Philippines lập luận rằng tòa án trọng tài là nơi chuẩn xác để giải quyết các tranh chấp dựa trên UNCLOS, công ước mà cả Manila và Bắc Kinh cùng ký kết.
"Philippines tin rằng tòa trọng tài có quyền phân xử đối với các tuyên bố chủ quyền mà Philippines đưa ra", luật sư Paul Reichler đại diện cho Chính phủ Philippines nói. Ông Reichler tin tưởng rằng phán quyết của tòa sẽ nghiêng về phía Philippines.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói nước này không chấp nhận việc PCA có quyền xét xử vụ này và sẽ không tham gia vào quá trình tranh tụng. "Trung Quốc phản đối bất kỳ quy trình phân xử bằng trọng tài nào do Philippines đề xuất và thúc đẩy", bà Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh ngày 7/7.
Trong một tuyên bố lập trường đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc nói tranh chấp trên biển Đông không thuộc phạm vi của UNCLOS vì đó là vấn đề chủ quyền, không phải về quyền khai thác. Trong khi đó, Philippines tố cáo Trung Quốc ngăn chặn phi pháp không cho nước này tiếp cận với các dải đá và bãi cạn của Philippines trên biển Đông.
Phiên điều trần của Philippines tại PCA là kín, nhưng tòa án trọng tài cho biết đã cho phép một số đại diện của các nước Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan theo dõi sau khi nhận được đề nghị từ các nước này.
Theo luật sư Reichler, vụ kiện có thể tiếp tục cho dù Trung Quốc từ chối tham gia. Phán quyết của PCA có ý nghĩa ràng buộc, nhưng tòa trọng tài không có thẩm quyền để thực thi phán quyết.
Cũng theo ông Reichler, quyết định về việc PCA có thẩm quyền xét xử vụ này hay không có thể được đưa ra trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, việc ra phán quyết cuối cùng có thể mất vài năm.
An Huy
Các tin khác
- Khủng hoảng nợ Hy Lạp và lời “tiên tri” 20 năm trước (17/07/2015)
- Trung Quốc đang sử dụng một cuộc xung đột nguy hiểm nhất trên hành tinh để làm sao nhãng công chúng (03/06/2015)
- Điều thật, điều bịa và Biển Đông (01/06/2015)
- Trung Quốc ngang ngược cấm biển: 'Đưa ra cơ quan tài phán quốc tế' (25/05/2015)
- Ba tình huống có thể dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông (25/05/2015)
- Lý Quang Diệu - nhà kinh tế học thực dụng (25/03/2015)
- Trung Quốc cải cách DNNN: Việt Nam tham khảo thế nào? (25/03/2015)
- Trung Quốc: đẩy mạnh cải cách kinh tế dù đau đớn (16/03/2015)
- Ai là siêu quyền lực trên thị trường dầu mỏ? (02/03/2015)
- Lãnh đạo Trung Quốc công bố triết lý lãnh đạo "4 toàn diện" (26/02/2015)
- Thỏa thuận Minsk đổ bể: Giờ là hiệp đấu của Mỹ? (18/02/2015)
- “Bảo thủ” và “tự do” trong chính trị Mỹ (01/12/2014)
- Cả khu vực sẽ sát cánh nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ trên Biển Đông (01/12/2014)
- Trung Quốc đòi Mỹ không nói về xây dựng trên biển Đông (01/12/2014)
- “Xoay trục về châu Á” của Mỹ sẽ ra sao sau vụ Hagel từ chức? (01/12/2014)