Tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam
Nếu không có gì thay đổi, theo quyết định ngày 15-6-2018 của Tổng thống Donald Trump, từ ngày 6-7, nhóm đầu tiên gồm 818 sản phẩm, phần lớn là sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc có trị giá xuất khẩu năm 2017 khoảng 34 tỉ đô la Mỹ (USD), khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thêm khoản thuế suất 25%.
Xung đột và trả đũa
Phía Mỹ quyết định áp thuế với hàng hóa công nghệ của Trung Quốc với cáo buộc nước này nhiều năm qua dùng các chính sách, biện pháp một cách có hệ thống hỗ trợ các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Để tạo cơ sở pháp lý cho quyết định của mình, từ tháng 3, Mỹ đã kiện Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến giữa tháng 6, minh chứng cho quan điểm này, Văn phòng Nhà trắng về thương mại và chế tạo trong tháng 6 đã công bố báo cáo chi tiết với tiêu đề "Sự xâm lấn về kinh tế của Trung Quốc đe dọa nền công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và thế giới như thế nào".
Với mục tiêu giải quyết vấn đề sở hữu trị tuệ, nên ngay trong quyết định ngày 15-6-2018 của Tổng thống Trump đã nêu rõ, sau khi Mỹ áp thuế với nhóm sản phẩm đầu tiên, nếu phía Trung Quốc không thể hiện thái độ hợp tác hay có chuyển biến tích cực, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế với nhóm 2 gồm 284 sản phẩm trị giá khoảng 16 tỉ USD. Thời gian áp thuế đối với nhóm 2 còn chưa xác định vì còn phụ thuộc "toa thuốc" đầu hiệu nghiệm đến đâu và một số thủ tục thu thập ý kiến công chúng cũng như giải trình tại Quốc hội Mỹ.
Như vậy, Mỹ đã sẵn sàng với gói giải pháp ban đầu trị giá tổng cộng 50 tỉ USD. Đây là quyết định mới nhất và được ví như "giọt nước tràn ly" khơi mào cuộc xung đột thương mại thực sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quả như vậy, vì cũng ngay trong ngày 15-6-2018, Trung Quốc đã khẳng định quan điểm phản đối quyết liệt của mình bằng quyết định sẽ trả đũa bằng cách áp đặt mức thuế "tương xứng" đối với các sản phẩm trị giá 34 tỉ USD của Mỹ vào ngày 6-7-2018.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, danh mục này bao gồm nông sản, xe hơi, thủy sản. Bộ này cũng công bố danh sách các sản phẩm trị giá 16 tỉ USD có thể bị đánh thuế tiếp, bao gồm hóa chất, thiết bị y tế và sản phẩm năng lượng, nếu Mỹ áp thuế với nhóm sản phẩm thứ 2.
Trong không khí căng thẳng ấy, để đảm bảo thuốc đắng có thể giã tật, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ bổ sung thêm các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ trong vài tuần tới. Các hạn chế về đầu tư sẽ nhắm tới các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, nhạy cảm về sở hữu trí tuệ, tương tự như các sản phẩm sẽ bị áp thuế 25% mới được công bố.
Việc Trung Quốc tức thì phản ứng bằng biện pháp trả đũa tương đương với "loạt đạn đầu" của Mỹ khiến Tổng thống Trump chỉ đạo xây dựng phương án đánh thuế bổ sung với gói sản phẩm trị giá tới 200 tỉ USD. Không dừng ở đó, phía Mỹ còn tính cả đến khả năng áp thuế tổng cộng 450 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, tức là gần 90% giá trị hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Trong không khí ngột ngạt ấy, Trung Quốc không đưa ra tuyên bố cụ thể gì thêm, chỉ giữ nguyên quyết định trả đũa ngày 6-7-2018 và khẳng định sẵn sàng đáp trả.
Quyết định của Mỹ đã làm tràn ly dù trước đó hai bên đã tìm cách giữ cho bát nước chỉ sóng sánh sau nhiều tháng "lời qua tiếng lại" với trị giá "án phạt" tăng dần từ 50 tỉ lên 100 tỉ của phía Mỹ và gói "trả đũa" khiêm tốn chỉ 3 tỉ USD của Trung Quốc. Khi những cuộc đàm phán con thoi cấp cao diễn ra liên tục ở Bắc Kinh rồi Washington với những tuyên bố, tín hiệu khả quan từ cả hai phía, tưởng chừng như đã tháo được ngòi nổ xung đột, ít ai nghĩ đến kịch bản hôm nay.
Nhưng, với tính cách thất thường và những quyết định táo bạo của Tổng thống Trump sau hơn 2 năm cầm quyền, chẳng có gì là không thể. Nhìn cách ông Trump đối xử với các "đồng minh như thủ túc" bên kia Đại Tây Dương và thậm chí là "xuống tay" cả với 2 láng giềng Bắc Mỹ trong đàm phán NAFTA 2.0 vừa qua, có lẽ các quyết định với Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian và mức độ nào mà thôi.
Trước khi suy đoán về tác động của những gì mới xảy ra với Việt Nam, thiết nghĩ cùng cần xem tình hình rồi sẽ đi về đâu. Những ngày qua, nhiều nơi nhắc đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nhưng có lẽ, những gì đã và sẽ xảy ra chỉ ở mức xung đột. Như trong một cuộc chiến, xung đột này trực tiếp giữa hai đối thủ cụ thể. Nhưng, các bên đều không dồn hết nguồn lực triệt hạ bên kia như trong một cuộc chiến sinh tử. Mỹ đe dọa áp thuế từ tháng 3, khi căng thẳng leo thang, cả hai bên đều đã ngồi lại với những tín hiệu tích cực. Rồi, khi quyết định trừng phạt tới 50 tỉ USD, Mỹ cũng chỉ thực hiện trước với 34 tỉ USD để thăm dò, trước khi xem xét áp thuế thêm với gói 16 tỉ. Ngay trước khi quyết định áp thuế, Chính quyền Mỹ lại cho Tập đoàn ZTE của Trung Quốc "cơ hội sửa sai" và tiếp tục kinh doanh với các đối tác Mỹ dù trước đó không lâu, tập đoàn này phải nhận những lời kết tội nặng nề và phán quyết nghiêm khắc của chính Mỹ. Dù thế nào, gói trừng phạt lên tới 450 tỉ USD mới chỉ là tuyên bố, trong khi các cuộc đàm phán có thể đạt kết quả bất cứ lúc nào như đã từng xảy ra. Và Tổng thống Trump cũng không quên khẳng định trên trang tin cá nhân (Tweet) của mình về "quan hệ cá nhân tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình". Theo các phân tích về mục tiêu và hệ lụy ở phần sau, có thể thấy căng thẳng có thể sẽ không kéo dài và leo thang thành chiến tranh.
Nhìn kỹ vào danh sách các sản phẩm bị hai bên áp thuế ta sẽ thấy thêm nhiều điều. Với lý do xử lý tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Mỹ áp thuế với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc. Cụ thể, nhóm đầu với 818 sản phẩm chủ yếu thuộc các Chương 84,85,87,88 và 90 như máy móc, động cơ, máy xây dựng, máy khoan, máy nông nghiệp, thiết bị trong các ngành khoáng sản, thủy tinh, cao su, nhựa, đầu máy xe lửa, động cơ ô-tô, xe máy, máy bay trực thăng, máy bay, thiết bị đo lường, kiểm định. Nhóm 2 gồm 284 sản phẩm trị giá khoảng 16 tỉ USD, chủ yếu thuộc các Chương 84,85,87 và 90, cùng nhiều sản phẩm rải rác trong các Chương 27,34,38, 39, 73, 70, 76 và 89 như sản phẩm nhựa, máy công nghiệp, thiết bị trong các ngành khai thác đá, gốm sứ, gỗ, cao su và nhựa cứng, thủy tinh, container hàng hóa, máy kéo, sợi quang học.
Theo Mỹ, các sản phẩm này bị đánh thuế sẽ không trực tiếp tác động tới nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và do đó, đời sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Giải thích này càng dễ chấp nhận khi đa số dân chúng Mỹ đang hân hoan với các chỉ số kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2018. Sau khi quyết định giảm thuế nội địa cuối năm 2017, và mạnh tay chi ngân sách tới 15 nghìn tỉ USD, mức chi tiêu đã tăng mạnh, GDP tăng trưởng tốt đến mức FED phải nâng lãi suất cơ bản để tránh tăng trưởng nóng và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm.
Phía Mỹ cũng tin tưởng khi khơi mào xung đột với đánh giá rằng Mỹ nhập khẩu hơn 500 tỉ USD từ Trung Quốc nên có thể chọn nhiều sản phẩm để áp thuế với giá trị cao, trong khi Trung Quốc chỉ có thể chọn trong hơn 100 tỉ USD xuất khẩu của Mỹ vào nước này để trả đũa.
Đằng sau các sản phẩm và giá trị cụ thể, quyết định trừng phạt các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc, phần nào phản ánh mối lo ngại của Mỹ trước sự chỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Đơn cử trong lĩnh vực chế tạo siêu máy tính. Theo Báo New York Times ngày 27-6-2018, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong lĩnh vực chế tạo siêu máy tính, công nghệ có ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điều khiển vệ tinh, viễn thám. Đến nay, 3 trong 5 siêu máy tính mạnh nhất thế giới do Trung Quốc sản xuất, các nhà sản xuất Mỹ chỉ chiếm vị trí số 1 và vị trí thứ 3. Nếu như trước kia, các siêu máy tính của Trung Quốc chủ yếu được sản xuất bằng nguồn đầu tư của nhà nước thì nay số sản phẩm do doanh nghiệp tư nhân đầu tư đã vượt trội, hứa hẹn khả năng tăng mạnh thời gian tới.
Cái giá phải trả
Với Kế hoạch "Made in China 2025", Trung Quốc bộc lộ rõ tham vọng chiếm lĩnh đỉnh cao công nghệ thế giới, yếu tố then chốt đảm bảo một quốc gia thực sự có vị thế siêu cường và đủ sức mạnh xoay chuyển cán cân chiến lược toàn cầu trong tương lai. Chỉ có điều, Mỹ và nhiều đồng minh khác, sẽ làm mọi cách ngăn cản Trung Quốc. Điều này cũng đã được "ám chỉ công khai" khi Tổng thống Trump đưa vấn đề thương mại là một trong những trụ cột trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ, mở đường cho những quyết định áp đặt rào cản thương mại vì lý do an ninh quốc gia như vừa qua.
Cái được lớn nữa với Chính quyền Tổng thống Trump qua các quyết định mạnh mẽ này là hình ảnh tích cực của một tổng thống giữ lời hứa tranh cử và kiên quyết đấu tranh đòi cạnh tranh công bằng và bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ vì mục tiêu "Nước Mỹ trên hết", làm cho "Nước Mỹ vĩ đại trở lại". Cùng với những điểm cộng rõ nét trong xử lý quan hệ với Triều Tiên, thái độ kiên quyết với Iran, và số liệu tích cực về kinh tế vĩ mô, giảm thất nghiệp, dấu ấn trong hồ sơ thương mại quốc tế chắc chắn giúp ích cho Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.
Nhưng chính sách nào cũng có hai mặt. Lần này, cái giá phải trả lại đặt lên vai những người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu các nhóm hàng bị Trung Quốc trả đũa như thịt lơn, hoa quả, ngô, đỗ tương, xe hơi, xe máy, thủy sản. Trong số này, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, nay bị đánh thuế lên tới 25% khiến sức ép cạnh tranh với các đối thủ EU, Canada, các nước Nam Mỹ, càng gay gắt. Cũng cần nói thêm rằng, nhiều đối tượng chịu thiệt hại là những cử tri đã ủng hộ Tổng thống Trump nắm quyền năm 2016 khi nghe ông hứa hẹn. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp Mỹ cảm nhận những cơn gió nóng từ Trung Quốc trong bối cảnh tình hình không hề dễ chịu từ sau khi Mỹ quyết định áp thuế với thép, nhôm toàn cầu đầu tháng 6 kéo theo làn sóng trả đũa quy mô lớn từ các đối tác khắp các châu lục, chỉ trừ nhóm nhỏ các nước được miễn trừ.
Tờ New York Times trong một phân tích về tác động của chính sách thương mại cứng rắn của Chính quyền Mỹ đã trích dẫn một loạt ví dụ cụ thể về các doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu thiệt hại bởi chính sách theo hướng trấn áp chính của Mỹ từ doanh nghiệp sản xuất đinh phải nhập thép giá cao đến doanh nghiệp nước hoa quả ép mất thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng (CTA) và Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc (NRF) của Mỹ cho thấy khi nước này đánh thuế với 50 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ bị giảm gần 3 tỉ đô la và làm mất 134.000 việc làm trong những ngành xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả đũa và những ngành sử dụng đầu vào từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế gặp khó khăn vì chi phí tăng. Nếu quy mô đánh thuế lên tới 100 tỉ USD, nền kinh tế Mỹ có thể mất 455.000 việc làm và giảm 49 tỉ USD tăng trưởng kinh tế.
Trong cơn sóng gió này, nông dân Mỹ là những người chịu thiệt hại nhất. Theo nghiên cứu, nếu quy mô xung đột ở mức 100 tỉ USD giá trị sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, lợi tức của nông dân Mỹ sẽ giảm 15%, và việc làm trong lãnh vực này sẽ giảm 181.000. Riêng tại Bang Ohio, theo nghiên cứu mới đây của Đại học Ohio, nếu Trung Quốc trả đũa 25% thuế với đậu tương và ngô, nông dân Bang này sẽ mất quá nửa thu nhập mỗi năm. Nếu thuế quan có hiệu lực, 10 tiểu bang bị mất việc nhiều nhất là California, Texas, Florida, Washington, New York, Georgia, Missouri, Pennsylvania, North Carolina và Ohio. Nếu tình hình xấu ngoài dự kiến, chính ông Trump và Đảng Cộng hòa sẽ chịu sức ép từ các nhóm lợi ích này ngay trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới đây.
Nhìn thêm về danh sách các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, có thể thấy bóng dáng của nhiều sản phẩm, kết cấu, phần mềm kỹ thuật cao từ chính sách đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Như vậy, các đồng minh này sẽ bị "vạ lây" khi sản phẩm cuối cùng gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ.
Cuối cùng, Trung Quốc không chỉ trả đũa với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ mà còn có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại nước này gặp khó khăn. Khi đó, con số thống kê thiệt hại về kinh tế của nước Mỹ sẽ rất khó lường.
Tất nhiên, ông Trump sẽ không để điều này xảy ra
Xung đột sẽ hạ nhiệt vì lợi ích chung?
Với những tính toán kỹ lưỡng, trong một kế hoạch được vạch sẵn, ông Trump nêu vấn đề từ cuối năm 2017, chính thức đặt vấn đề trừng phạt Trung Quốc từ tháng 3, chủ động đưa căng thẳng đến đỉnh điểm rồi chủ động ngồi lại đàm phán, đến đầu tháng 7 ông mới chính thức áp thuế. Vì ông biết chắc chắn rằng với độ trễ từ chính sách đến thị trường từ khi áp thuế đến tháng 11, các phản hồi từ thị trường sẽ chưa rõ nét đến mức có thể đe dọa kết quả bầu cử. Ngay cả khi có bất chắc ngoài dự kiến, ông hoàn toàn có thể lại chỉ đạo các cơ quan đàm phán với Trung Quốc như đã làm tháng 5 vừa qua, và rồi nhận thêm sự mến mộ vì đã ngăn được xung đột thương mại leo thang. Bởi vậy, bài viết này mới đặt giả định ngay từ đầu là "nếu không có gì xảy ra".
Một yếu tố nữa, tuy không liên quan trực tiếp nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến các quyết sách của ông Trump. Đó là kinh nghiệm thành công trên thương trường của ông và đội ngũ phụ tá thân tín với bề dày kinh doanh và kiến thức kinh tế như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin, Cố vấn Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Cố vấn thương mại Nhà Trắng Navarro, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer. Với tư chất của mình và đội ngũ trên, ông Trump ưu tiếp cận các cuộc đàm phán theo kiểu "trấn áp", bất ngờ gây sức ép mạnh trước để bước vào đàm phán với vị thế thuận lợi. Ông đã ít nhiều thành công trong đàm phán cam kết về nhôm, thép với một số nước. Ông cũng áp dụng cách này với Canada và Mehico trong đàm phán nâng cấp Hiệp định NAFTA. Tới đây, ông cũng áp dụng với thuế ô-tô nhập khẩu từ EU. Với Trung Quốc, ông Trump cũng dùng cách ấy.
Hơn hết thảy, vì là người đi nước cờ đầu tiên, ông Trump luôn có lợi thế và biết rõ sự cần thiết không để xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát kéo theo các hệ quả khôn lường, nhất là trong cuộc chơi với một Trung Quốc không còn "dấu mình chờ thời" mà sẵn sàng "đi tới cùng" khi xung đột leo thang.
Về phía Trung Quốc, thiệt hại cũng không hề nhỏ. Theo báo cáo của tổ chức The Conference Board (Mỹ), xung đột thương mại với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc chịu thiệt hại trực tiếp nhiều hơn. Theo báo cáo này, xuất khẩu sang Trung Quốc giúp GDP của Mỹ tăng thêm 0,7%. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ giúp GDP của Trung Quốc gia tăng 3%. Nếu xung đột thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn.
Theo những phan tích trên, có thể suy đoán rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung khó có thể leo thang đến mức 450 tỉ USD như phía Mỹ đe dọa. Nhiều khả năng các bên sẽ tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, ha nhiệt xung đột, vì lợi ích chung. Thời điểm có thể vào đầu năm sau, tức là sau khi Đảng Cộng hòa đã vững vàng chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ, rộng đường cho Tổng thống Trump triển khai các chính sách trong nửa cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Những tác động đối với Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với độ mở lớn. Như con thuyền giữa biển khơi, tâm bão có thể ở xa nhưng mưa, gió và sóng sẽ lan đến chúng ta. Những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, kinh tế, thương mại toàn cầu hiện nay đã phát triển ở mức độ cao, đan xen, phụ thuộc lẫn nhau với các mô thức kinh doanh, kết nối chuỗi sản xuất đa dạng, phức tạp. Do vậy, đánh giá tác động từ bên ngoài đối với nền sản xuất, hoạt động thương mại của một quốc gia cũng cần xét nhiều chiều.
Trước mắt, nếu chỉ nhìn vào các sản phẩm Mỹ và Trung Quốc áp thuế với nhau, tác động trực tiếp đối với hoạt động thương mại của Việt Nam không nhiều. Mỹ áp thuế với các sản phẩm công nghệ cao mà chúng ta không xuất khẩu. Trung Quốc áp thuế với nhóm nông sản, thủy sản, phương tiện vận tải mà Việt Nam không sản xuất hoặc không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh từ EU, Canada, Mehico với các sản phẩm tương tự sẵn sàng thế chân Mỹ tại Trung Quốc. Do vậy, cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam có chăng chỉ nằm ở nhóm sản phẩm thay thế, ví dụ như thịt lợn (dù không tương đương với thịt lợn Mỹ).
Xét dài hạn hơn, xu hướng chuyển dịch thương mại sẽ ngày càng rõ nét. Hàng nông sản Mỹ gặp khó khăn tại Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, sức ép mở cửa thị trường với lý do giảm xuất siêu của Việt Nam sẽ ngày càng tăng.
Xét ở khía cạnh nào đó, đây là cơ hội dành cho Việt Nam. Như đã phân tích trên, xung đột thương mại Mỹ- Trung có thể lúc nóng, lúc dịu nhưng mâu thuẫn ẩn sau luôn tồn tại. Cho dù không xảy ra xung đột trực diện như hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều nhất. Các hạn chế đầu tư, các lệnh trừng phạt như với ZTE vừa qua có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, cùng các lý do khác, các doanh nghiệp sẽ tìm địa điểm đầu tư thuận lợi hơn, trong đó có Việt Nam. Nếu tận dụng được cơ hội này để thu hút đầu tư, công nghệ để phát triển năng lực sản xuất với giá trị gia tăng cao trong dài hạn, sẽ hỗ trợ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế của Việt Nam. Song, nếu không tự nâng cao được năng lực thể chế, chỉ thu hút được đầu tư ở mức lắp ráp, gia công giá trị thấp, thậm chí để xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế, không chỉ các doanh nghiệp vi phạm mà toàn ngành sản xuất sẽ gánh hậu quả từ các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe. Nền kinh tế quốc dân sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá, rơi vào nguy cơ tụt hậu.
Tác động gián tiếp khác cũng quan trọng không kém là thay đổi trong tư duy và hành động của chính chúng ta. Đánh giá đây là tác động bởi chúng ta buộc phải thay đổi tư duy và hành động trước đòi hỏi của thực tiễn. Chính sách thương mại của Mỹ đã khác nhiều trong hơn 2 năm qua, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Dù phần lớn các nước vẫn tôn trọng hệ thống thương mại đa biên do WTO đại diện và hướng tới tự do hóa thương mại, nhưng trào lưu bảo hộ và các rào cản thương mại đang được áp dụng ngày càng nhiều. Không có gì đảm bảo rằng lúc nào đó, Mỹ không áp dụng biện pháp với Việt Nam như đã áp dụng với Trung Quốc. Nhất là khi Việt Nam đứng thứ 16 trong số các nước xuất siêu lớn nhất vào Mỹ với kim ngạch tới 32 tỉ USD năm 2017. Xét riêng về lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tuy Việt Nam có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh so với các nước ASEAN, nhưng Mỹ vẫn đánh giá rằng năng lực thực thi quyền của chúng ta còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu quốc tế. Phía Mỹ cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách "cần theo dõi".
Ngay sau khi Mỹ kiện Trung Quốc ra WTO, các cuộc tranh luận đã rất nóng tại diễn đàn này. Không chỉ trong WTO, cả hai phía chắc chắn sẽ muốn lôi kéo thêm nhiều bên, trong đó có Việt Nam, ủng hộ cả trong các diễn đàn kinh tế thương mại khu vực khác như APEC, ASEAN- Mỹ, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN+3, ASEAN+6... Xử lý khôn khéo các quan hệ đan xen này không hề đơn giản.
Trong bối cảnh như trên, cách tốt nhất là tiếp nhận và tiếp cận những biến động, đặc biệt là những biến động bất lợi một cách chủ động. Có như vậy, mới có thể bình tĩnh ứng phó khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trong chính sách, nếu linh hoạt, mềm dẻo chúng ta sẽ đảm bảo được mục tiêu bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp cũng là lợi ích quốc gia. Trong kinh doanh, không vì khó khăn trước mắt mà nản trí, bỏ rơi thị trường phải mất nhiều công sức mới thâm nhập được.
Quan trọng hơn, các chính sách cần hỗ trợ đắc lực và doanh nghiệp tích cực cùng hướng tới phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu (dù đôi khi khắt khe) của Mỹ như về khai báo lý lịch khai thác thủy sản, các thủ tục xác minh doanh nghiệp, chứng minh xuất xứ sản phẩm gỗ hay kiên trì đấu tranh trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vượt qua những thử thách này, chính là giúp chúng ta vượt lên tầm cao mới về năng lực cạnh tranh cả về thể chế và sản xuất kinh doanh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.
Quang San (theo TBKTSG)
Các tin khác
- Tránh nguy cơ “nhân dân tệ hóa” nền kinh tế Việt Nam (18/06/2018)
- Kinh tế tư nhân là đòn bẩy nâng cao năng suất lao động (18/06/2018)
- Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam (18/06/2018)
- TS. Võ Trí Thành: Thoái vốn Sabeco cái được đã thấy rõ, cái mất là khó đong đếm (26/02/2018)
- Vài ý kiến về tính kinh tế ngầm (26/02/2018)
- TS Huỳnh Thế Du: ‘Tôi chưa có cơ sở để tin siêu ủy ban hoạt động hiệu quả’ (26/02/2018)
- Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại (30/11/2017)
- Liệu thị trường có thể quá tự do không? (24/10/2017)
- TS. Lê Xuân Nghĩa: “Đừng tranh cãi GDP 6,5% hay 6,7% mà là tăng GDP tiềm năng” (20/09/2017)
- TS. Trần Đình Thiên: Sau 30 năm đổi mới, đẳng cấp kinh tế Việt Nam nói chung vẫn chậm thay đổi, du lịch có khá hơn nhưng vẫn ngẫu hứng (05/09/2017)
- Phát triển kinh tế tư nhân: Cần gắn kết cả 3 trụ cột kinh tế (05/09/2017)
- Đại diện Diễn đàn kinh tế tư nhân: “Nên bỏ khái niệm Kinh tế Tư nhân” (31/08/2017)
- Quản lý nợ công: Đầu mối không quan trọng bằng minh bạch (31/08/2017)
- Bong bóng startup sẽ vỡ? (12/09/2016)
- Kinh tế tư nhân đứng trước “chủ nghĩa thân hữu” (20/06/2016)