Cẩn trọng đầu tư, tỷ giá, chứng khoán trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
"Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo theo sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và tác động mạnh mẽ đến Việt Nam"...
Tại một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều ngày 11/7, các chuyên gia kinh tế đã có cuộc bàn thảo xoay quanh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam.
Theo đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại về các dòng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất khó tính toán và không loại trừ khả năng Việt Nam trở thành "bia đỡ đạn", là điểm đến để Trung Quốc né tránh việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa của họ bằng cách đầu tư vào Việt Nam.
Còn TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lại cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo theo sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) và tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý 1. Điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong sự kiện đồng NDT mất giá mạnh so với USD. Đồng thời, khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng NDT.
Trong khi đó, đồng VND đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ sẽ ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam.
Từ đó, ông Thành khuyến nghị Việt Nam cần theo đuổi chính sách mềm dẻo, giảm giá VND so với USD nhưng không giảm mạnh bằng NDT. Ví dụ, NDT giảm 10%, Việt Nam có thể giảm 5% hoặc thấp hơn.
"Mức giảm giá của VND có thể chấp nhận được từ mức 2-3%, đặc biệt, nửa cuối năm nay cần quan tâm đến tỷ giá và lãi suất, vì rủi ro rất nhiều", ông Thành nói.
Cũng nhấn mạnh đến vấn đề tỷ giá, song đề cập sâu hơn đến lĩnh vực chứng khoán, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cùng quan điểm với TS Nguyễn Đức Thành về việc thời gian qua đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống giá mạnh. Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, Trung Quốc vẫn còn nhiều room để tiếp tục phá giá đồng tiền này và Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhập siêu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc sẽ càng mạnh hơn.
"Quá trình phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán tăng điểm ở thị trường truyền thống thì các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào các thị trường cận biên, mới nổi như Việt Nam. Còn khi thị trường truyền thống rớt giá thì các nhà đầu tư sẽ bán tháo ở thị trường cận biên", ông Hiếu nói.
Chứng minh cho điều này, ông Hiếu dẫn ví dụ, mỗi khi Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau thì thị trường khoán thế giới lại rung lắc, còn thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thoát khỏi "vòng xoáy". Khi thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm thì thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, điều đó cho thấy VN-Index có liên quan chặt chẽ với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Đây cũng là một trong những lý do khiến chỉ số VN-Index tại Việt Nam những ngày qua giảm quanh mức 900 điểm sau tăng trưởng vượt bậc trong quý 1/2018 và kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định", ông Hiếu nhận định.
Đánh giá một cách tổng quát, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng, rủi ro của các cuộc chiến thương mại tạo ra tác động lan toả chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước. Hơn thế, đụng độ của hai cường quốc sẽ tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc.
Duyên Duyên (theo VnEconomy)
Các tin khác
- TS. Trần Du Lịch: Nước nghèo không chịu nhận các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm thì chẳng lẽ nước giàu làm? (17/07/2018)
- Nợ nước ngoài của quốc gia ngày càng phình to (11/07/2018)
- Bộ Tài chính sẽ cắt giảm 173 chi cục thuế trong năm 2018 (06/05/2018)
- Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh (06/05/2018)
- Khó khăn của doanh nghiệp tư nhân nhìn từ con số thua lỗ năm 2017 (27/03/2018)
- Người đứng đầu 'siêu Uỷ ban' phải là Thủ tướng Chính phủ (26/02/2018)
- Ông Nguyễn Sĩ Dũng: "Không có kinh tế tư nhân, không có U23 Việt Nam hôm nay" (26/02/2018)
- Tăng thuế với xăng dầu: Cần cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế (26/02/2018)
- TS. Nguyễn Đình Cung: Tạo dư địa cho năm 2018 để cải cách mạnh mẽ hơn (26/02/2018)
- Khi tăng trưởng GDP bị nghi ngờ (24/01/2018)
- Điều chỉnh động cơ tăng trưởng (24/01/2018)
- Chỉ số cạnh tranh: Việt Nam tăng nhưng các nước khác cũng thay đổi mạnh mẽ (02/11/2017)
- TS Lê Đăng Doanh: “Đừng lạc quan tếu, cũng không nên đưa ra bức tranh sai sự thật về kinh tế tư nhân” (24/10/2017)
- Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao vẫn chưa đủ lớn? (24/10/2017)
- Sẵn sàng đàm phán và sửa luật đối với nhà đầu tư chiến lược của đặc khu kinh tế (20/09/2017)